Học Dược ra thì làm gì?

Disclaimer: Bài viết này chỉ áp dụng cho các bạn định hướng ở các công ty Dược nói chung và các công ty đa quốc gia nói riêng. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo vì vậy nếu thấy thắc mắc hoặc thiếu thông tin, bạn đọc có thể tham khảo thêm từ các nguồn khác để mở rộng góc nhìn.

Hôm qua chị nhận được bức thư tâm tình dài của một bạn nhỏ học Dược. Trong thư, chị cảm nhận đâu đó được sự mong lung về định hướng tương lai khi vừa mới đặt chân vào giảng đường đại học. Đặc biệt là khi mới năm 2, năm 3, khi tụi mình còn chưa hiểu tại sao phải học những môn này, tại sao phải thi cử nhiều đến thế, tại sao chương trình học lại nặng nề như vậy. Việc hoang mang, mông lung về chuyện tương lai là chuyện tất yếu.

Hồi ấy, thậm chí khi đã học được năm 5, chị còn chưa có khái niệm gì về các nghành nghề trong tương lai. Ở những năm đầu 20, vòng xoay cuộc sống của mọi đứa sinh viên chỉ gói gọn trong việc qua môn, siêng năng hơn chút xíu sẽ là kiếm học bổng, tham gia câu lạc bộ. Tụi mình vừa thiếu thông tin vừa thiếu một “khoảng lặng” để tìm hiểu về các lĩnh vực, nghề nghiệp tương lai.

Ở khuôn khổ những kiến thức nằm trong tầm hiểu biết, chị sẽ chia sẻ 5 định hướng nghề nghiệp cho Dược sĩ. Đương nhiên, những thông tin sẽ chỉ giới hạn trong các công ty Dược đa quốc gia.

Sale

Nấc thang đầu tiên trong nghề là Trình Dược Viên/Medical Representative

Trình Dược Viên là công việc tụi mình được nghe và có nhiều thông tin chia sẻ nhất. Hiểu đơn giản thì đây là công việc giới thiệu các thông tin về sản phẩm thuốc/thiết bị y tế cho các nhân viên y tế. Việc cung cấp thông tin này sẽ giúp nhân viên y tế hiểu hơn về hiệu quả, tính an toàn và các lợi ích của dược phẩm, từ đó đóng góp vào việc lựa chọn thuốc điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

Công việc này thường được hiểu là seller – người bán hàng. Nhưng chị thích hiểu nó theo nghĩa là một hình thức marketing truyền thống hơn vì thực tế, việc đưa thông tin tới khách hàng qua trò chuyện trực tiếp (face-to-face) là hoạt động chủ yếu, mang tính lặp đi lặp lại để tạo “bộ nhớ” thông tin sản phẩm thuốc trong tâm trí khách hàng. Việc mua bán, trao đổi thuốc không diễn ra trực tiếp mà thông qua các bên liên quan khác nhau.

Công việc này Gói gọn trong 3 hoạt động chính: tạo mối quan hệ với khách hàng, cung cấp các thông tin về sản phẩm, giải quyết các vấn đề liên quan đến việc cung ứng thuốc tại bệnh viện/phòng mạch/nhà thuốc đang phụ trách.  

Bước qua nấc thang đầu, các bạn có thể đi tiếp lên các vị trí khác như Area Manager (Quản lý khu vực) hoặc Regional Manager (Quản lý vùng). Ví trí cao nhất cho định hướng Sale là National Sale Manager hoặc Business Unit. Ở các vị trí trên đỉnh đồi này thì ngoài kinh nghiệm sale, các công ty thường yêu cầu thêm kinh nghiệm về Marketing để có thể hoạch đính thêm về chiến lược chung cho cả nước. 

Marketing

Sau sale, có lẽ Marketing là định hướng phổ biến thứ 2. Và nhờ bản chất nghề là Marketing nên các anh chị trong ngành đã và đang chia sẻ, lan tỏa thông tin nghề nghiệp rất nhiều. Đây là cơ hội lớn cho tụi mình tìm hiểu, ướm thử bộ váy “Marketing” lên con đường nghề nghiệp để xem có phù hợp với bản thân hay không.

Marketing Dược sẽ có nhiều điểm đặc thù so với Marketing ở các lĩnh vực khác như FMCG (Ngành hàng tiêu dùng nhanh). Tuy nhiên, vì đặc thù nên sinh viên Dược sẽ có nhiều đất diễn hơn.

Nếu trong khuôn khổ ở các công ty đa quốc gia (MNCs), đa phần để có thể đi theo định hướng này, các bạn đều sẽ phải trải qua nền tảng sale, trừ những trường hợp giỏi xuất chúng và thuộc dạng talent thì có thể đặc cách. Nhưng, hiếm!!!

Marketing Dược thường gói gọn trong 2 nhiệm vụ chính: lên chiến lược cho sản phẩm và vận hành chiến lược đó bằng cách tạo ra các hoạt động khác nhau. Việc lên chiến lược hiểu một cách đơn giản hóa là quyết định việc sản phẩm sẽ được bán ở đâu, bán cho ai, định hướng bán cho bệnh nhân nào, bán với hình thức như thế nào và dùng nội dung gì để phục khách hàng sử dụng sản phẩm. Việc vận hành chiến lược có nghĩa là dựa vào chiến lược đã tạo để tổ chức các hoạt động với nhiều hình thức khác nhau như tổ chức hội nghị, hội thảo, tổ chức hoạt động cho sale, các dự án hợp tác với bệnh viện, tổ chức y tế,…

Càng ở vị trí cao, vai trò chiến lược càng quan trọng. Vai trò vận hành sẽ nhường lại cho các vị trí thấp hơn.

Nếu định hướng theo lĩnh vực này, các bạn có thể tham khảo thêm bài viết:

https://thuonglibrary.com/chuyen-di-lam/4-ki-nang-can-chuan-bi-tu-thoi-sinh-vien-de-dan-than-vao-marketing-duoc/

Regulatory Affairs

Regularory Affairs (RA) của một công ty dược phẩm chịu trách nhiệm xin phê duyệt cho các sản phẩm dược phẩm mới và đảm bảo rằng sự phê duyệt đó được duy trì trong thời gian công ty muốn giữ sản phẩm trên thị trường

Hãy thử tưởng tượng, bạn có một loại thuốc mới muốn đem về bán tại thị trường Việt Nam. Nhưng dược phẩm vốn dĩ bao quanh bởi vô vàn quy định, quy chế rất chặt chẽ. Lúc này, để có thể chuẩn bị giấy tờ, thủ tục, bộ phận RA xuất hiện và giúp chúng ta giải quyết các vấn đề xoay quanh việc lưu hành thuốc trên thị trường. RA có trách nhiệm bám sát luật pháp hiện hành, hướng dẫn và các thông tin quy định khác.

Nếu bạn đang cầm trên tay một tờ hướng dẫn sử dụng thuốc thì đó chính là một trong những thành quả của bộ phận RA đấy. RA còn đảm đương việc đăng ký VISA cho thuốc, gia hạn VISA cho thuốc khi hết hạn.

Vì vậy, RA được ví như “luật sư riêng” của một sản phẩm dược.

Vì yêu cầu công việc phải liên quan giấy tờ, thủ tục với các công ty mẹ nên RA thường yêu cầu cao về ngoại ngữ. Ở khuôn khổ các MNCs, chị thường thấy các bạn thường có kinh nghiệm RA ở các công ty nhỏ hoặc sau đại học ứng tuyển thành công vị trí này.

Clinical Research

Ở mức độ đầu vào (entry level), các em có thể đảm nhận vị trí Adminstration hoặc Clinical Trial Assistant. Gọi chung là Trợ lý thử nghiệm lâm sàng. Nhiệm vụ chính là cung cấp hỗ trợ các thủ tục, giấy tờ cho các vị trí cao hơn như Clinical Research Associate, Clinical Project Manager,…Tuy nhiên, lưu ý rằng vị trí này có thể vẫn sẽ tuyển các bạn chuyên ngành khác Dược vì không chịu trách nhiệm chuyên môn cao.

Ở cấp bậc cao hơn, tạm gọi là Operational, chúng ta có các vị trí Clinical Research Associate và Senior Clinical Research Associate, Clinical Research Coordinator. Chị tạm gọi chung là các Điều phối viên Thử nghiệm lâm sàng. Đây là các vị trí giúp tổ chức và giám sát các giai đoạn khác nhau của các thử nghiệm lâm sàng.

Các nhiệm vụ chính của một bạn Điều phối viên Thử nghiệm lâm sàng bao gồm:

  • Viết phương pháp thử thuốc (quy trình)
  • Xác định và giới thiệu tóm tắt các điều tra viên thử nghiệm thích hợp (bác sĩ lâm sàng)
  • Thành lập và giải tán các trung tâm nghiên cứu thử nghiệm
  • Thiết kế tài liệu nghiên cứu và cung cấp đủ số lượng cho các trung tâm nghiên cứu
  • Cung cấp cho bác sĩ lâm sàng hướng dẫn về cách tiến hành các thử nghiệm
  • Thu thập và xác thực các biểu mẫu thu thập dữ liệu (thường được gọi là biểu mẫu báo cáo trường hợp)
  • Theo dõi tiến độ trong suốt thời gian thử nghiệm
  • Viết báo cáo

Các vị trí cao cấp của Clinical Research là Clinical Project Manager hoặc Clinical Research Manager.

Các vị trí cao cấp của Clinical Research là Clinical Project Manager hoặc Clinical Research Manager.

Medical Affairs

Ở mức độ entry level, Medical Science Liaison (Chuyên viên thông tin y khoa) là nấc thang đầu tiên trong lĩnh vực này này.

Medical thường tuyển Bác sĩ hoặc Dược sĩ sau đại học. 

Tuy nhiên rất may mắn là gần đây cơ hội mở ra đối với các bạn có background Dược nhưng có chuyên môn tốt (đọc – hiểu nghiên cứu) và có kĩ năng trình bày (presentation), Anh Văn. Việc ứng tuyển ngay sau khi ra trường gần như là không thể đối với vị trí này mà tương tự như MKT,  em cần phải rèn luyện những kĩ năng, kiến thức như chị vừa nêu cộng với việc năm bắt cơ hội phù hợp

Em có thể hiểu nôm na là đây là công việc cung cấp thông tin y khoa về bệnh học/thuốc cho nội bộ và cho nhân viên y tế bằng các hoạt động khác nhau. Medical có nhiệm vụ phổ cập nội dung về bệnh học, cơ chế của thuốc, tác dụng của thuốc, các nghiên cứu mới, chỉ định mới của thuốc cho các bên liên quan. Việc này vẫn áp dụng với các thuốc đã lưu hành lâu trên thị trường nếu thuốc vẫn còn khả năng phát triển, duy trì trên thị trường nhưng thông tin sẽ điều chỉnh phù hợp hơn.

Ở mức độ vận hành, các công việc của bộ phận Medical tương tự như Marketing nhưng tính chất thiên về học thuật nhiều hơn.

Thật ra, nếu làm việc tại các công ty Dược, tụi em còn có thể khám phá thêm các nhóm nghề khác như Training, Quality Assurance, Medical Informaion,…Tuy nhiên, ở khuôn khổ hiểu biết và góc nhìn hiện tại, chị sẽ chia sẻ những nhóm phổ biến nhất.

Một trong những ưu điểm lớn khi chọn ngành Dược là lĩnh vực làm việc rất rộng, tha hồ để lựa chọn. Do đó, nếu chịu khó tìm hiểu các lĩnh vực để có những nhận định cơ bản kết hợp với việc nhìn nhận thêm điểm yếu/điểm mạnh của bản thân. Tụi em hoàn toàn có thể tạo nên một cái kết viên mãn cho con đường nghề nghiệp của bản thân.

Recommended Articles

4 Comments

  1. Cảm ơn chị nhiều nhiều với những thông tin bổ ích này. Những chia sẻ của chị đã giúp em có cái nhìn rõ nét hơn về công việc tương lai sau này, để có thêm đông lực theo đuổi ngành nghề này đến cùng.
    Cuối lời, em chúc chị sức khỏe và thành công hơn nữa 🥰🥰

    1. Cám ơn em gái. Chúc em lựa chọn và theo đuổi được nghề phù hợp nhé!

  2. Sao món nào mình cũng không tự tin chị ơi

    1. Luyện hoài 1 món thì sẽ quen và tự tin thôi em nhé!

Comments are closed.

Pin It on Pinterest