Tản mạn chuyện một mái tóc rụng!

Tản mạn chuyện một mái tóc rụng!

Đã là con gái, ai cũng có ước mơ nuôi dưỡng một mái tóc dài. Chị thích lắm hình ảnh các bà, các mẹ cầm chiếc lược ngà chải mái tóc đen trước thềm nhà. Chị đã nuôi mái tóc dài khi nhìn thấy ảnh bà nội thở xưa nghiêng mái tóc chụp chiếc chân dung thở còn đôi mươi. Một mái tóc đen và nguyên thuỷ.

Nhưng rồi, mái tóc và cuộc đời vốn dĩ đều khó lòng như ý nguyện.

Năm 17 tuổi, mái tóc rụng dần sau một trận sốt xuất huyết. Năm 26 tuổi, mái tóc vốn yếu lại dần gãy rụng sau đợt Covid-19. Nếu như năm 17 tuổi, rụng tóc khiến chị buồn mấy tháng liền thì năm 26 tuổi, chị lại thấy biết biết ơn thay vì hối tiếc.

Năm 26 tuổi, chị thoáng nghĩ mái tóc rụng chứa đựng một ý nghĩa hoàn toàn khác. Một mái tóc rụng báo hiệu cho chúng ta biết rằng, cơ thể chúng ta đang thật sự không ổn. Mái tóc thưa để lộ ra một lá cờ đỏ để báo hiệu rằng đã đến lúc nghỉ ngơi và chăm lo cho bản thân mình.

Cơ thể chúng mình vốn diệu kì. Nó là sự liên kết của rất nhiều những cơ quan khác nhau và mỗi cơ quan đều cố gắng làm tròn vai của mình. Do đó, một khi có bộ phận nào đó kêu cứu bằng một dấu hiệu nào đó, nó chứng tỏ rằng cả thân, tâm mình đang riệu rã và muốn được nghỉ ngơi, muốn được nâng niu và chăm sóc.

Thỉnh thoảng, khi chúng ta lướt qua nhanh cuộc đời mình, cố gắng hoàn tất những deadline, những ước mơ cuộc đời, chúng ta lại quên mất mình có một cơ thể rất cần được nâng niu. Chúng ta có một đôi mắt sáng nhưng chúng mình lại có lúc nào để mắt nghỉ ngơi đâu. Khi thức dậy, cuộc sống chúng ta vây quanh bởi vô số chiếc màn hình, màn hình điện thoại, màn hình ipad, màn hình máy tính, màn hình TV. Chúng ta tha hồ sử dụng và đôi mắt yếu dần. Chúng mình cố gắng đền bù, dỗ dành đôi mắt bằng một cặp kính thật xinh xắn và ngày một dày thêm một chút.

Chúng mình cũng sinh ra với các dạ dày khoẻ mạnh, ấy vậy mà chỉ mới chừng hai mấy năm cuộc đời thôi, dạ dày chúng mình đã bắt đầu phản đối cái chế độ ăn tiết kiệm sáng, xả láng khuya. Chỉ đến khi, chiếc dạ dày lên tiếng, chúng ta mới vội vã uống vài 3 tháng thuốc để rồi lại quay trở về một nếp sống xưa khi đã thoả hiệp xong với chúng.

Tương tự, mái tóc chúng ta cũng phản ánh rất nhiều tới cách chúng mình sống.

Một mái tóc khoẻ không chỉ đến từ chế độ chăm sóc bên ngoài mà còn phải là sự kết hợp của một chế độ ăn uống hợp lý, nghỉ ngơi đủ giấc và tập luyện hợp lý. Do đó, tóc rụng là biểu hiện của một cơ thể không khoẻ mạnh. Của một cơ thể đang ầm ĩ lên tiếng vì cách sinh hoạt không khoa học và thiếu điều độ của chúng mình. Tóc rụng, chứng tóc chúng mình cần phải học cách chăm sóc bản thân.

Đi xa hơn một mái tóc, là chuyện chăm sóc tâm hồn.

Đi xa hơn một mái tóc, là chuyện chăm sóc tâm hồn.

Tâm hồn cũng như mái tóc. Để dịu dàng và lương thiện, tâm hồn cũng cần phải được tưới tắm mỗi ngày. Tâm hồn khoẻ khi được nuổi dưỡng bởi những nguồn thức ăn tinh thần lành mạnh. Vậy mà có ai quan tâm đến chăm sóc tâm hồn mình đâu, chỉ khi gặp những thất bại, chỉ khi trái tim tan vỡ, chỉ khi thấy cuộc đời ngạt thở, ta mới loay hoay tìm cách chơ che, nuôi dưỡng một tâm hồn an yên hơn. Và nhiều khi, chúng ta thất bại. Chúng ta nghẹt thở để tìm cách xây dựng lại một trái tim khoẻ mạnh và yêu thương. Bởi chúng ta đã từng biết yêu thương lấy cảm xúc, lấy sự nhạy cảm, cũng chưa từng nâng niu và chiều chuộng những đổ vỡ, thất bại và mềm yếu của bản thân.

Như mái tóc bắt đầu rụng, chăm sóc tâm hồn phải là công việc được làm hằng ngày. Chăm sóc tâm hồn phải là nhiệm vụ được kỉ luật nghiêm ngặt khi chúng ta cảm thấy mình dễ tức giận hơn bình thường, dễ khóc, dễ sân si và đố kỵ hơn với người khác, khi những nổi buồn cứ ập đến rồi ở lại lâu hơn bình thường và khi chúng ta đối mặt với mọi chuyện không có sự kiểm soát. Đó là lúc tâm hồn đã mệt mỏi và chúng mình thật sự mệt mỏi và ta cần biết ôm lấy mình vào lòng, vỗ về, chiều chuộng như một đứa trẻ.

Nhưng chị biết và chị hiểu ! Chị hiểu rằng, nếu chưa từng trải qua cái cảm giác mất đi sức khoẻ, chưa từng trải qua cái cảm giác bệnh đến kiệt quệ cơ thể đến mấy tháng trời, chẳng mấy ai hiểu được và trân trọng ý nghĩa của sức khoẻ, đặc biệt là những người trẻ – như chị em chúng mình. Tuổi trẻ mà, có gì đâu ngoài sức khoẻ và nhiệt huyết. Rồi chúng ta, dùng lấy dùng để chiếc “thẻ tín dụng” sức khoẻ mà đâu biết rằng, mai sau này, chúng ta sẽ dùng những khoản “tiết kiệm” khác để trả lại phần sức khoẻ đã tiêu dùng hoang phí một thời. Tuổi trẻ chúng ta bán sức khoẻ để đổi lấy tiền và địa vị, thậm chí hạnh phúc và rồi chúng ta dùng tiền để mua lại sức khoẻ. Nói vậy không có nghĩa là chỉ biết nghỉ ngơi, hưởng thụ mà là trong quá trình cống hiến, ta phải hiểu một chặng đường dài, cần sức bền hơn là những đánh đổi chốc lát.

Chúng ta – những người trẻ rồi sẽ già đi.

Chúng ta – những người trẻ rồi sẽ già đi.

Nhưng tuổi già hưởng thụ hay hưởng bệnh, ít nhiều sẽ phụ thuộc vào cách mà chúng ta đối xử với cơ thể mình hằng ngày. Chị từng nghe ở một bài Giảng Pháp đâu đó câu nói: Nếu chúng ta thức dậy và tưởng tượng như mình là một người khuyết tật được tặng một đôi tay lành lặn, một đôi chân lành lặn, một cơ thể khoẻ mạnh. Chúng ta sẽ biết ơn và trân trọng tất cả những gì mình đang có ở thời điểm hiện tại.

Chính vì vậy, nhân ngày mình con trẻ, còn chập chững lớn, hãy biết cống hiến những cũng hãy biết thương lấy bản thân. Dành một ít thời gian để nuôi dưỡng một cơ thể khoẻ mạnh, dẻo dai, một tâm hồn lành mạnh và an nhiên. Dành cho mình một chút quan tâm để chơi một môn thể thao, để tập 10 phút thiền định, để tự tay chuẩn bị một buổi sáng đủ chất dinh dưỡng. Biết đâu một ngày, tóc sẽ dài thướt tha bên một nụ cười xinh.

Viết nhân những ngày không khoẻ nhưng vẫn tin mình rồi sẽ bình phục. Viết nhân một ngày vui và ngày trở lại!

Recommended Articles

Pin It on Pinterest