Bạn có thật sự muốn làm Marketing Dược?

Disclaimer: Bài viết này chỉ áp dụng cho các bạn định hướng ở các công ty đa quốc gia. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, dựa trên những trải nghiệm và góc nhìn cá nhân vì vậy nếu thấy thắc mắc hoặc thiếu thông tin, bạn đọc có thể tham khảo thêm từ các nguồn khác để mở rộng góc nhìn.

Bạn có thật sự muốn làm Marketing Dược?

Câu hỏi mà đáng ra chúng ta nên tự đặt ra trước khi bắt đầu cuộc chơi.

Chị đã từng có một khoảng thời gian ròng rã gần 2 năm làm việc trong Marketing Dược. Đó là khoảng thời gian mình học được rất nhiều kĩ năng, kinh nghiệm và những bài học đắt giá để tự tin trong công việc kế tiếp. Chị trân quý khoảng thời gian đó, dù nó không phải là một khoảng thời gian tuyệt đẹp của cuộc đời chị.

Khi dịch bùng phát, chị có cơ duyên được tiếp xúc với rất nhiều bạn đang ấp ủ những ước mơ bước chân vào Marketing Dược thông qua 2 buổi Workshop Sharing nhỏ. Chị hiểu đó là những ước mơ, suy nghĩ ấp ủ khi chúng ta nhìn thấy “hào quang” phát ra từ nghề này.

Chị cũng vậy. Hồi mới chập chững sinh viên năm cuối và làm sale những tháng đầu tiên, Marketing là lĩnh vực, nghề duy nhất mà mình được biết ngoại trừ Trình Dược Viên. Chúng mình nghĩ rằng bản thân không thích hợp làm sale và chúng mình có một lựa chọn khác là marketing. Và rồi, chúng mình quyết định bản thân “muốn” làm marketing.

Ở những ngày tháng đầu tiên làm quen với cuộc đời, chúng mình bị choáng ngợp bởi hình ảnh “ngầu đét” của các anh chị marketing trong công ty ở các buổi họp, chúng mình bị ngưỡng mộ bởi những chuyến “du lịch” trời Tây dày như đi chợ. Chúng mình cũng muốn thăng chức và được khoản lương thưởng cao hơn. Chúng mình chọn và theo đuổi Marketing Dược.

Tuy nhiên, tụi em hãy tỉnh táo cân nhắc định hướng và tránh những lầm tưởng về nghề nghiệp khi chưa có đủ thông tin và trải nghiệm.

Dạo gần đây, khi các group Marketing và các anh chị Marketing trong nghành chia sẻ về nghề, tụi mình biết được nhiều hơn về Marketing và Marketing Dược. Chị biết nhiều bạn tìm hiểu và định hướng theo nghề. Nó thật tốt khi điều đó đúng với đam mê, năng lực và tố chất của bản thân. Nhưng chị nghĩ biết đâu đó sẽ có những bạn bị áp lực “peer pressure” và cũng quyết định đi theo con đường này. Đó cũng là một “lựa chọn” khi xung quanh chúng ta ai ai cũng lựa chọn và tìm hiểu về Marketing. Đặc biệt, vì tính chất của Marketing nên nó đang được “đánh bóng” và tràn ngập thông tin khắp mọi nơi.

Tuần trước, chị có nói chuyện với một bạn vừa được thăng tiến lên làm “Product Executive” ở một công ty đa quốc gia. Tụi chị nói những thứ xoay quanh công việc và chuyện đi làm của bạn. Bạn nói, mọi thứ không như bạn tưởng, bạn bắt đầu suy nghĩ và nghi ngờ về lựa chọn của bản thân. Đúng là bạn đã từng mong ước, ghen tị và cố gắng đến rã rời để đạt được vị trí hiện tại. Bạn bỏ ra thời gian, công sức để tìm hiểu về nghề. Nhưng bạn chưa bao giờ ngồi ngẫm để tìm hiểu về bản thân. Bạn tưởng marketing chỉ là lên ý tưởng, là sáng tạo, là một không gian làm việc rộng mở. Nhưng bạn bị thất vọng vì những buổi họp kéo dài, bởi những quy định khắt khe trong ngành Dược kìm hãm sự sáng tạo của bạn. Bởi áp lực công việc, bởi doanh số khiến bạn thay đổi góc nhìn và nhận ra góc chìm của tảng băng trôi.

Bạn tự hỏi “Mình có thật sự muốn làm Marketing không?”.

Câu hỏi mà đáng ra chúng ta nên tự đặt ra trước khi bắt đầu cuộc chơi.

Trả lời theo hướng ngoại cảnh

Chị thừa nhận Marketing là một công việc rất thú vị và đẩy rất nhanh tốc độ phát triển đa kĩ năng. Chị thừa nhận Marketing sẽ dễ dàng sáng tạo, có nhiều thứ để làm, nhiều điều để khai phá hơn các nghề nghiệp khác. Chị thừa nhận marketing sẽ giúp phát triển, mở rộng góc nhìn và phát triển năng lực, tầm nhìn bản thân đáng kể. Chị thừa nhận Marketing sẽ có con đường nghề nghiệp, cơ hội thăng tiến và cơ hội nghề nghiệp trên thị trường tuyển dụng luôn rộng mở. Chị thừa nhận lương, thưởng của các anh chị trong nghề rất cao, thường bắt đầu ở mức 800$ – 1000$ (tùy công ty). Chị thừa nhận, dân Marketing đi công tác như đi chợ và chuyện đi công tác nước ngoài (khi không có Covid) là chuyện bình thường.

Nhưng làm Marketing rất vất vả thì không mấy ai nói. Vì tính chất nghề nghiệp nên công việc của một Marketer luôn luôn bận rộn với những event, những dự án, những yêu cầu mới mẻ. Áp lực công việc vì vậy sẽ luôn bị đẩy ở mức cao hơn áp lực làm sale từ 2-4 lần. Ngoài ra, môi trường marketing có vẻ như cạnh tranh, đòi hỏi phải biết cách thể hiện bản thân và năng lực tốt hơn. Chuyện work-life balance là rất khó cân đối với một người trẻ. Hầu hết những năm tháng đầu khi bước vào nghề, bạn sẽ phải vùi đầu để học hỏi, phát triển kĩ năng và tạo dựng chỗ đứng. Chưa kể đến giai đoạn đầu tiên (khoảng 1-3 năm đầu tiên”, tiền lương thưởng sẽ tương đối “kém” so với công sức đổ ra và cũng không cao hơn khi làm sale là bao nhiêu.

 Đó là xét về gốc độ bản chất của công việc để trả lời cho câu hỏi “Mình có thật sự muốn làm Marketing không?”

Trả lời theo hướng nội lực (nội tại của bản thân)

Nếu cảm thấy chấp nhận ở góc độ bản chất công việc, chúng ta bước tới một góc độ khác. Góc độ quan trọng và ưu tiên nhất. Đó là góc nhìn từ chính bản thân của tụi em. Tạm gọi là góc nhìn “nội lực”.

Góc nhìn “nội lực” này đòi hỏi chúng ta phải tự biết phân tích bản thân mình. Để làm được điều này, dưới quan điểm cá nhân của chị, hãy thử ngồi lại và ngồi vẽ lại sơ đồ SWOT cho bản thân mình. Sau này làm Marketing hoặc một vài công việc khác, các em có thể dùng hàng tuần, hàng tháng để ngồi vẽ một SWOT cho công việc. Vậy nên đừng tiếc 10 phút để ngồi suy ngẫm về bản thân mình.

Một ví dụ về SWOT về chính chúng mình:

Nếu bản thân có khả năng sáng tạo, suy nghĩ logic và có khả năng giao tiếp tốt, có tầm nhìn chiến lược và cảm thấy bản thân chịu khó làm việc, ham học hỏi thì bạn đang có những điểm mạnh match tương đối với marketing. Suy nghĩ logic ở đây có nghĩa là có khả năng liên kết các vấn đề lại với nhau để thấy được cốt lõi của vấn đề. Nói nôm na là nếu dàn tất cả thông tin toàn cảnh thị trường, đối thủ cạnh tranh, thông tin sản phẩm, insights người tiêu dùng, dòng chảy bệnh nhân,… và bạn có thể kết nối được các thông tin này lại để tạo nên một chiến lược, đường đi để phát triển sản phẩm thì đó gọi là suy nghĩ logic, có tầm nhìn chiến lược.

Đương nhiên, chuyện rèn luyện để có một suy nghĩ logic và thậm chí tầm nhìn chiến lược thì hoàn toàn làm được nhưng em nên cân nhắc về mặt thời gian. Bởi vì thay vì tốn thời gian đi rèn luyện điểm yếu thì việc phát triển điểm mạnh, năng khiếu của bản thân sẽ tốt hơn rất nhiều.

Ngoài ra, nếu kết hợp với việc em có vốn tiếng anh tốt (6.0 – 6.5) , kĩ năng thuyết trình (public speaking), khả năng sử dụng excel để phân tích số liệu và khả năng sử dụng powerpoint thì gần như sẽ hoàn toàn “hợp” được với nghề.

Khi xét tới điểm yếu, em không có những yếu tố như “sợ đám đông”, không thích giao tiếp, không thích di chuyển nhiều, ghét các con số, hoàn toàn không dễ chịu với chuyện thể hiện thì sẽ dễ dàng thích nghi hơn với nghề này. Chị nhấn mạnh từ “dễ dàng thích nghi nhé” vì tụi em vẫn sẽ có thể biến các yếu tố này thành thứ mình có thể làm được, thậm chí biến chúng thành điểm mạnh của bản thân. Tuy nhiên các em nên hiểu một sự thật rằng không riêng gì marketing mà các nghề khác đều không nên có những điểm yếu này. Nhưng với marketing thì đây là các yếu tố không nên có nhất của một marketer.

Tương tự như vậy, các em tự đánh giá về cơ hội và các thách thức của mình nhé.

Trên hết tất cả các yếu tố trên là yếu tố thuộc về “feeling” hay trực giác.

Nếu trong một thời gian dài, sau khi tìm hiểu hết tất cả các thông tin nghề nghiệp trong các công ty Dược Đa Quốc Gia, em chỉ có cảm giác mình phù hợp và cảm tình, thích thú với nghề thì nên thử tìm cơ hội. Đó cũng là cách chị tìm ra hướng đi mới cách đây một năm. Sau khi đã tìm hiểu cẩn thận, chị mường tượng về nghề và cảm thấy bản thân có thể tự tin và cảm giác “yêu” nghề đôi chút. Cảm giác này kéo dài từ 3-6 tháng, vậy là chị quyết định tìm cơ hội.

Tóm lại là, không chỉ riêng marketing mà đối với bất cứ nghành nghề nào đi nữa, hãy luôn luôn tìm hiểu trước khi đầu tư bản thân, đầu tư thời gian với nghề. Để khi lấn chấn vào bất cứ lĩnh vực nào, bạn sẽ luôn cảm thấy sẵn sàng để cống hiến, dấn thân và thấy rõ một con đường phù hợp với bản thân để đi tới. Đừng chạy theo số đông mà hãy chạy theo nguồn lực, nội tại của bản thân mình.

Chúc tụi em thành công trên chặng đường sự nghiệp của bản thân!

Tìm hiểu các ngành khác trong Ngành Dược đa quốc gia tại bài viết:

https://thuonglibrary.com/chuyen-di-lam/hoc-duoc-ra-thi-lam-gi/

Tìm hiểu thêm về Marketing Dược

https://thuonglibrary.com/chuyen-di-lam/4-ki-nang-can-chuan-bi-tu-thoi-sinh-vien-de-dan-than-vao-marketing-duoc/

Bạn yêu thích những bài viết của Thương Library. Hãy cân nhắc ủng hộ tại đây để Blog tiếp tục phát triển phi lợi nhuận!

Recommended Articles

1 Comment

  1. […] Học Dược ra thì làm gì? Bạn có thật sự muốn làm Marketing Dược? […]

Comments are closed.

Pin It on Pinterest