Dạo gần đây, tôi hay nhớ lại vài hình ảnh hiện ra trong quá khứ.
Thường thì là vài thứ linh tinh lỉnh khỉnh tuổi thơ không mấy vui vẻ. Bạn tôi bảo: “Đứa nào chả thế, không riêng mình bà đâu”. Tôi lại để nó buông thỏng đó vì chí ít, tôi không phải dằn vặt như thế là khác thường. Hồi đâu cầm cuốn “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”, đọc được vài trang đầu, tôi run run không dám cầm đọc tiếp. Tôi rời khỏi nhà sách mà hỗn độn với thứ cảm giác trống rỗng. Nó thật quá, cái sự thật của những câu chuyện đời của người khác trải ra tởm lợm trước tôi. Nó không quá đáng sợ như cái thứ mà một câu chuyện kinh dị ám ảnh vào tâm trí bạn. Nó thấm từ từ, chất lừ như một mớ rượu cần rưới vào tâm trí.
Tôi chẳng nhớ nhiều tên những nhân vật trong truyện. Họ đều là những con người thật, ngồi đó thủ thỉ lại mớ hỗn độn của cuộc đời như một cách giải tỏa. Tôi thấy họ dũng cảm. Người dám phơi bày cái nỗi đau âm ỉ dày vò và dám đối mặt với nó, hẳn họ phải can đam lắm. Tôi không dám cho mình cái quyền gọi là đồng cảm với chừng ấy con người bởi tôi may mắn, có một tuổi thơ tạm gọi là êm đẹp dẫu cũng đâu đó vài thứ sần sì lắm. Nhưng thôi, tôi bỏ qua hoặc ít nhất, nó vẫn chưa mạnh mẽ đến mức khiến tôi phải dành cả cuộc đời để tìm cách chữa lành. Tôi hiểu được họ phần nào.
Loáng thoáng trong đầu tôi là một cô bé. Em chả bao giờ dám phơi bày cái cảm xúc của mình cho người khác. Em lầm lũi tự cảm với mớ cảm xúc tuổi dậy thì. Em sống trong một cái mác mạnh mẽ. Bởi tuổi thơ em chưa bao giờ được người mẹ công nhận, người bà khen thưởng. Em không được phép khóc trước mặt mẹ. Bởi như thế là yếu đuối.
Tôi hình dung ra thằng Huy. Một đứa con trai má phúng phính dễ thương, ù lì, học giỏi và ít nói. Nếu gặp thằng Huy ngoài đời, chắc tôi cũng có thiện cảm liền với nó. Huy không có cha, cha nó chạy theo người đàn bà khác bỏ rơi mẹ. Huy tự ti với ngoại hình với hoàn cảnh, cả tuổi thơ chỉ biết cắm đầu học để được công nhận. Vì ngoài học giỏi ra, có gì khiến nó tự tin vào bản thân đâu chứ. Ở Huy cháy lên cái khát khao được cha công nhận, được cha vỗ về nhưng vô vọng. Cha nó không còn muốn hiều.
Tôi cũng nghĩ đến những đứa trẻ trầm cảm trong truyện. Liên thì phải. Tôi chắc nhớ rõ mà không muốn lật cuốn sách ra để coi lại. Sợ lại bị giả cảm xúc. À, Quân. Liên là mẹ nó. Minh Quân cả tuổi thơ bị mẹ đặt lên vai cái gánh nặng học hành, kì vọng, đủ thứ áp lực lên đôi vai nó. Rồi như một hệ quả, Quân bị trầm cảm. Tôi còn tưởng nó có thể lên cơn điên. Con cái mà trở thành “dự án cá nhân” của ba mẹ. Quả là một tai họa.
Tôi không thích lắm mấy dòng bình luận trong sách. Bởi chỉ cần đọc chuyện – nghe người ta kể là đủ ngấm với một mớ bài học trong đó. Nếu đọc quyển này với hy vọng tìm cái giọng văn nghị luận cứng thép của bác Giang, thì thôi đừng vội order. Quyển này là một bước chuyển mới trong mấy cuốn sách bác Giang viết. Giọng văn lạ lắm, ỉ ôi kể mà thấm.
Đọc đi. Hiểu mình, hiều ba mẹ mình hơn. Hoặc biết đâu, hiểu cho những đứa con tương lai của mình.