Cách đọc một nghiên cứu khoa học theo phong cách sinh viên (phần 1)

Cách đọc một nghiên cứu khoa học theo phong cách sinh viên

Chị nhớ thời sinh viên, mình không được dạy cách đọc một bài nghiên cứu khoa học. Những phương pháp đọc, hiểu một bài báo chỉ được lồng ghép rất nhỏ thông qua những môn như Dịch tễ, Xác xuất thống kê nhưng thường lý thuyết và khó hiểu.

Đến khi đi làm, tụi mình cũng ít có cơ hội tiếp cận với cách đọc một bài nghiên cứu khoa học mặc dù sử dụng kết quả của các nghiên cứu này rất nhiều. Điều này dẫn tới hậu quả là tụi mình thường chỉ biết tới phần ngọn (kết quả nghiên cứu) chứ không biết thực hư thế nào trong nghiên cứu ấy. Ai hỏi tới thì thường chỉ biết nhắc lại y lời thông điệp sản phẩm hoặc tài liệu được cung cấp chớ không thể nào trả lời các câu hỏi, thắc mắc bên trong được. Chị đã từng thấy một bạn lấy kết quả nghiên cứu hồi cứu đi so sánh với kết quả của nghiên cứu RCT (ngẫu nghiên, có đối chứng) để chứng minh cho hiệu quả của sản phẩm. Như vậy mất lòng tin với khách hàng và uy tín của bản thân lắm ☹

Vậy nên việc tụi mình tự tìm hiểu và biết cách đọc nghiên cứu sẽ rất có “lợi” cho công việc sau này cũng như giữ được cái chất của người làm nghành y.

Do vậy, chị làm một chuỗi các bài viết liên quan đến tới “cách đọc nghiên cứu khoa học” bao gồm các thông tin cơ bản để hiểu và đọc được nghiên cứu để vừa ôn lại và giúp những ai yêu khoa học và thích tìm hiểu về khoa học:

  • Cấu trúc của một nghiên cứu khoa học (phần 1)
  • Các thiết kế nghiên cứu thường gặp (phần 2)
  • Các chỉ số nghiên cứu thường gặp – cách để đọc kết quả nghiên cứu (phần 3)
  • Ứng dụng để hiểu rõ và truyền tải được thông tin của các nghiên cứu đang sử dụng trong một bộ tài liệu (phần 4)

Ở bài viết này, chị sẽ giải thích phần đầu tiên để chúng mình có khái niệm cơ bản về bài báo khoa học.

Cấu trúc của một bài báo khoa học (phần 1)

Không giống như bài tập làm văn, thiết kế nghiên cứu có 4 phần cơ bản theo cấu trúc IMRAD với các chức năng tương ứng. Cấu trúc này bắt đầu từ năm 1940 và sau đó đến những năm 1970, 80% các bài báo đều đi theo cấu trúc này. Bây giờ, nó đã gần như trở thành khuôn mẫu của bài báo nghiên cứu khoa học1

Vậy cấu trúc này là gì và mục đích của mỗi phần là gì?

I – Introduction:

Thông thường một nghiên cứu sẽ được tiến hành để trả lời cho một câu hỏi nào đó. Phần này sẽ giải thích cho chúng ta hiểu vì sao nghiên cứu được thực hiện.

M – Methods:

Nghiên cứu này được thực hiện như thế nào?  Phần này thường sẽ xoay quanh thiết kế nghiên cứu và các tiêu chí tuyển chọn, các tiêu chí loại trừ bệnh nhân.

R – Results:

Kết quả nghiên cứu như thế nào hay điều gì đã ghi nhận sau khi nghiên cứu kết thúc, And

D- Discussion:

Các tác giả nói gì về nghiên cứu của họ. Phần này chị thấy sẽ giúp mình mở mang góc nhìn và thấy được quan điểm của tác giả về kết quả nghiên cứu nhiều hơn. Nhiều khi cùng một kết quả nhưng góc nhìn của mình khác, tác giả lại bình một kiểu.

Ngoài ra, các bài báo sẽ có thêm các phần phụ – bổ sung như sau:

Abstract

Hiểu một cách nôm na là bản tóm tắt của bài báo fulltext để giúp mình có cái nhìn tổng quan về nghiên cứu trước khi bỏ công sức ra tìm hiểu trọn gói bài báo í. Vậy nên thường thì tụi em nên đọc phần Abstract trước để hiểu đây có phải là bài báo mình cần không trước khi chính thức bước chân vào đáo xới fulltext nhé.

Hình ảnh trích dẫn từ bài báo: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33923460/

Tile/Authors

Phần này bao gồm tên của bài viết và tác giả nghiên cứu.

Đối với phần tiêu đề thường sẽ nêu bật được mục tiêu nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu và đôi khi sẽ có đề cập đến loại nghiên cứu. Phần Authors sẽ là tập hợp nhóm tác giả tham gia vào nghiên cứu đó. Người ta thường gọi tên bài báo theo tên người tác giả đầu tiên (nếu nghiên cứu không được đặt tên ngắn gọn) nhưng chị thấy cách gọi đó hơi bất công vì nhìn chung, không phải tất cả những người tác giả đầu là người có nhiều công trạng nhất của nghiên cứu đó.  

Ngoài ra, có thể để ý, phía dưới phần tác giả thường sẽ có phần chú thích về địa chỉ – nơi làm việc và email liên lạc với nhóm nghiên cứu. Thông tin này có thể hữu ích trong trường hợp chúng ta cần để liên hệ với tác giả để hỏi đáp thắc mắc hoặc lí do khác.

Hình ảnh trích dẫn từ bài báo: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33923460/

References:

Các y văn mà tác giải tham khảo để viết nghiên cứu

Acknowledges:

Các cá nhân, tổ chức liên quan đến tiến trình và đăng tải nghiên cứu. Đây là mục để xem bài báo có mâu thuẫn về quyền lợi hay không? Để chúng ta có một cái nhìn khách quan nhất về bài báo. Ở Việt Nam, chị thường thấy thiếu phần này nhưng ở nước ngoài, đây là điều kiện quan trọng để xét duyệt đăng tải bài báo.

Như vậy, ở mức độ sinh viên hoặc mới tập tành đọc về nghiên cứu, mình có thể bắt đâu bằng cách nắm được cấu trúc của một bài nghiên cứu và mục đích của mỗi phần để đụng đến vấn đề, mình sẽ biết tìm đọc ở đâu trong một bản fulltext dài ngoằn và tập trung ở phần nào.

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/pmc442179/
  2. Các hình ảnh nghiên cứu được trích dẫn nguồn phía dưới để bạn đọc tham khảo.

Hết phần 1. 

Disclosure:

Các thông tin của bài viết hoàn toàn dựa trên hiểu biết cá nhân và tham khảo các thông tin y khoa từ các tài liệu chuyên ngành của Thương Library. Bài viết không đại diện cho bất kì cá nhân, tổ chức nào khác. Vui lòng không sao chép thông tin khi chưa có sự đồng ý của Thương Library.

Nếu có góp ý về bài viết bạn vui lòng email gởi về truongthuong188@gmail.com. Thương Library rất vui lòng nhận các thắc mắc, góp ý để nội dung chất lượng hơn.

Recommended Articles

1 Comment

  1. […] Tóm lại, chị viết khá dài nhưng không viết dài lại không thể truyền hết được thông tin cơ bản cần nắm để bắt tay vào đọc một nghiên cứu. Do đó, sau bước đầu tiên mà chị đã nhắc tới ở phần 1: https://thuonglibrary.com/?p=164 […]

Comments are closed.

Pin It on Pinterest